CỦA QUỐC HỘI SỐ 32/2004/QH11 NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 2004
VỀ VIỆC THI HÀNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰQUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;
QUYẾT NGHỊ:
1. Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.
Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ngày 29 tháng 11 năm 1989, Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài ngày 17 tháng 4 năm 1993, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế ngày 16 tháng 3 năm 1994, Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài ngày 14 tháng 9 năm 1995 và những quy định về thủ tục giải quyết các vụ án lao động của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động ngày 11 tháng 4 năm 1996 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại điểm 3 và điểm 4 của Nghị quyết này.
2. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tự mình hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức việc rà soát các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hiện hành để huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc đề nghị Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, bảo đảm hiệu lực của Bộ luật này từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.
3. Kể từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực, những Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có đủ điều kiện thực hiện thì được giao thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 của Bộ luật này; những Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chưa đủ điều kiện thì tiếp tục thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm quy định tại khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và khoản 1 Điều 12 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, nhưng chậm nhất đến ngày 01 tháng 7 năm 2009, tất cả Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện thống nhất thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chính phủ đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định những Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được thực hiện thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương củng cố cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ của Toà án, Viện kiểm sát huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chưa đủ điều kiện thực hiện để bảo đảm cho các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện thống nhất thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự.
4. Kể từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự được công bố cho đến ngày có hiệu lực:
a) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Bộ luật tố tụng dân sự được công bố thì áp dụng theo quy định tương ứng tại Điều 73 và Điều 79 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Điều 77 và Điều 83 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Điều 75 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động;
b) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động có hiệu lực pháp luật sau ngày Bộ luật tố tụng dân sự được công bố thì áp dụng theo quy định tại Điều 288 và Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.
5. Các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động phát sinh trước ngày Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây không quy định thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu thì áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 159 của Bộ luật tố tụng dân sự.
6. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ luật tố tụng dân sự trong cán bộ, công chức và nhân dân nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Bộ luật tố tụng dân sự trong bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
7. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004.