Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Thế chấp là biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng thường được áp dụng cho loại hợp đồng vay tiền. Vì vậy, đồng thời với giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền thì Toà án cũng phải giải quyết về tài sản thế chấp.
- Giao dịch thế chấp cũng là một hợp đồng nên cũng phải tuân theo các quy định có hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng thế chấp có thể được lập thành văn bản riêng, cũng có thể ghi ngay trong hợp đồng mà nó bảo đảm nhưng hợp đồng thế chấp vẫn có hiệu lực độc lập và phải tuân thủ các quy định về hợp đồng thế chấp.
- Cần chú ý về hình thức của hợp đồng thế chấp. Đối với tài sản thế chấp là nhà, đất phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền chứng thực cũng là cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 8 Nghị định 08/2000/NĐ-CP). Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất trong trường hợp bên bảo đảm là hộ gia định, cá nhân (Điểm đ, khoản 2, Điều 8 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP).
- Riêng việc đăng ký các giao dịch bảo đảm về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 64 Nghị định 181/2004/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 3 Điều 64 thì cơ quan thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm trong đó có thế chấp quyền sử dụng đất là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Như vậy, việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất có thể thực hiện ở Uỷ ban nhân dân cấp xã và cũng có thể thực hiện ở Văn phòng nêu trên.
- Trong trường hợp tài sản thế chấp được bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ mà phải xử lý tài sản thế chấp để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn cũng được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý (Điều 34 Nghị định 165/1999/NĐ-CP).
- Trong trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thế chấp (tranh chấp với người không tham gia giao dịch thế chấp) thì các bên liên quan có quyền yêu cầu Toà án giải quyết về quyền đối với tài sản thế chấp trước khi xử lý tài sản thế chấp.
|