Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Thẩm phán phải xem xét đảm bảo cho người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị bất kể lúc nào trong giai đoạn phúc thẩm.
Thẩm phán chỉ chấp nhận việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu nếu chưa hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì hội đồng xét xử phải hỏi ý kiến bị đơn. Nếu bị đơn không đồng ý thì hội đồng xét xử không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Nếu bị đơn đồng ý thì hội đồng xét xử chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, ra quyết định huỷ án sơ thẩm và đình chỉ xét xử vụ án.
Khi hội đồng xét xử chấp nhận việc rút đơn khởi kiện tại phiên toà thì các đương sự phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của bản án sơ thẩm và chịu một nửa án phí phúc thẩm.
Toà án chỉ chấp nhận xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên toà nếu được làm bằng văn bản và gửi đến Toà án cấp phúc thẩm.
Khi nhận được văn bản về thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải thông báo cho đương sự khác, Viện kiểm sát biết.
Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên toà phúc thẩm, thì Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với vụ án đó và bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo tại phiên toà phải được ghi vào biên bản phiên toà. Nếu người kháng cáo, kháng nghị rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà thì hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với vụ án đó và bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Mọi quyết định trước khi mở phiên toà do Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà quyết định; tại phiên toà do hội đồng xét xử quyết định.
|