Công việc chính và kỹ năng thực hiện: Thẩm phán phải lưu ý về tư cách đương sự trong những trường hợp người gây thiệt hại là người chưa thành niên và trong trường hợp người có trách nhiệm bồi thường không phải là người trực tiếp gây thiệt hại.
- Theo khoản 3 Điều 56 BLTTDS thì bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện cho rằng đã xâm phạm lợi ích của họ nhưng theo quy định của pháp luật về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì không phải lúc nào người gây thiệt hại cũng là người phải trực tiếp bồi thường ; do đó, Thẩm phán cần hướng dẫn cho người đi kiện khởi kiện đúng đối tượng.
- Trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại, trách nhiệm bồi thường được quy định cụ thể là:
- Người gây thiệt hại dưới 15 tuổi thì cha mẹ phải bồi thường. Người gây thiệt hại có thể phải bồi thường trong trường hợp tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường thì mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (đoạn 1 khoản 2 Điều 606 BLDS 2005). - Người gây thiệt hại từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì phải bồi thường bằng tài sản của họ, nếu chưa đủ thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.
- Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giám hộ đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự là phải bồi thường phần còn thiếu, nếu tài sản của người gây thiệt hại không đủ để bồi thường; khác với trách nhiệm của cha mẹ ở chỗ tổ chức, cá nhân giám hộ không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ.
- Cũng cần chú ý là một quan hệ bồi thường đã được Tòa án giải quyết và đang được thi hành có thể được thụ lý giải quyết lại bằng vụ kiện mới nếu người bị thiệt hại khởi kiện lại cho rằng mức bồi thường đang thi hành không còn phù hợp nữa.
- Có nhiều vụ kiện về bồi thường thiệt hại đươc chuyển đến Tòa án từ cơ quan điều tra hình sự. Tòa án vẫn phải hướng dẫn cho nguyên đơn khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
|