- Trong khi làm nhiệm vụ, Thẩm phán, Hội thẩm Toà án nhân dân, phải thực hiện đầy đủ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm”.
- Nhân là thật thà, thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chọn cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không sợ cực khổ, không sợ oai quyền; - Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có gì giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc thì bất kỳ to nhỏ đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải làm thì làm, thấy việc phải nói thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn; - Trí vì không có việc gì tư túi nó làm cho mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc làm có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian; - Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát; - Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh, chính đại, không bao giờ hủ hoá.
- Trong các đức tính trên, liêm khiết là một yêu cầu tối thượng đối với Thẩm phán, Hội thẩm. Ngay trong Sắc lệnh số 13 ngày 24-01-1946, tại Điều 83 quy định: “Thanh liêm là một đức tính thiêng liêng của các Thẩm phán Việt Nam ngày nay”.
|