AsianLII [Home] [Databases] [WorldLII] [Search] [Feedback] [Help]

The Supreme People's Court of Vietnam: Benchbook Online

You are here:  AsianLII >> Databases >> The Supreme People's Court of Vietnam: Benchbook Online >> LỜI CÁM ƠN

[Table] [Database Search] [Name Search] [Previous Part] [Previous Section] [Next Section] [Next Part] [English] [Help]


 
LỜI CÁM ƠN


IDLO vô cùng vinh dự khi được hỗ trợ cho Dự án xây dựng Sổ tay Thẩm phán cho ngành Toà án Việt Nam. Dự án này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiện và Phó Chánh án TANDTC - Tiến sỹ Đặng Quang Phương. Năm 2001, Tiến sĩ Đặng Quang Phương đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc phát triển một cuốn sổ tay dành cho ngành Toà án Việt Nam, giống như các dự án mà IDLO (sau này đổi thành Học viện Luật Phát triển Quốc tế (IDLI)) đã thực hiện tại Mông Cổ, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Phi-líp-pin.

Vào năm 2004, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Ôxtrâylia (viết tắt là AusAID) đã tán thành ý tưởng về Dự án xây dựng Sổ tay Thẩm phán cho ngành Toà án Việt Nam và IDLO được lựa chọn là cơ quan hỗ trợ triển khai dự án này. Thẩm phán Michael Moore, Thẩm phán Tòa án Liên bang Ôxtrâylia, tham gia dự án với vai trò quan trọng là một trong hai chuyên gia quốc tế thực hiện công việc tư vấn triển khai dự án, qua đó tối đa hóa lợi ích của cuốn sổ tay đối với các đồng nghiệp là các thẩm phán Việt Nam. Thẩm phán Moore đặc biệt đề cao việc phát triển các mối quan hệ giữa ngành toà án Ôxtrâylia với các nước trong khu vực. Ông đã tình nguyện sử dụng các kỳ nghỉ phép của mình để tham gia vào Dự án xây dựng Sổ tay Thẩm phán cho ngành Toà án Việt Nam. Ngài Chánh án Black của Tòa án Liên bang Ôxtrâylia cũng đã rất ủng hộ và nhất trí để Thẩm phán Moore, thay mặt cho Tòa án Liên bang Ôxtrâylia, tham gia vào các chương trình phát triển tư pháp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

IDLO đã có may mắn được làm việc với một đội ngũ tràn đầy nhiệt huyết gồm các thẩm phán và luật sư của Việt Nam trong quá trình hai năm soạn thảo Sổ tay Thẩm phán. Quá trình soạn thảo đã sử dụng phương pháp luận được IDLO, cụ thể là cựu Phó Tổng giám đốc Gilles Blanchi, phát triển trong suốt thập kỷ qua khi hợp tác với các cơ quan tư pháp tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Mông Cổ và Phi-líp-pin.

Mỗi phần trong cuốn sổ tay đều do các thẩm phán giàu kinh nghiệm của Việt Nam soạn thảo, dựa trên các lĩnh vực chuyên sâu của họ: Thẩm phán Chu Văn Minh, Tiến sỹ Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán Trần Thị Hạnh, Thẩm phán Nguyễn Sơn, Thẩm phán Đặng Xuân Đào, Thẩm phán Hoàng Thị Bắc, và Thẩm phán Dương Quốc Thành. Nhiệm vụ quan trọng là biên tập các phần trong cuốn Sổ tay do Tiến sĩ Đặng Quang Phương, Phó Chánh án thường trực Toà án nhân dân tối cao và ông Ngô Cường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xét xử (TANDTC), thực hiện. Với vai trò là các chuyên gia tư vấn quốc tế của dự án, Thẩm phán Moore và tôi đã làm việc với các tác giả của cuốn Sổ tay để đưa ra một cách trình bày thống nhất, nhằm mục đích cung cấp các thông tin có giá trị cho các thẩm phán Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ án được toà án nơi họ công tác xét xử. Cách trình bày này được định hướng theo kinh nghiệm thực tiễn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thẩm phán khi đọc cuốn Sổ tay.

Phương pháp phân tích, đề cương ban đầu và dự thảo lần thứ hai của cuốn Sổ tay đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong hai đợt hội thảo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 năm 2004 và tháng 10 năm 2005. Qua đó, các tác giả và biên tập viên đã tiếp thu một số thông tin và ý kiến có giá trị của những người tham gia hội thảo, đến từ Tòa án, Đoàn luật sư, Học viện Tư pháp, Viện Kiểm sát.

Trong tháng 5 năm 2006, hai hội thảo tập huấn đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm hướng dẫn kỹ năng sử dụng cuốn sổ tay cho khoảng 70-80 người tham gia để sau này họ có thể tập huấn cho 700 thẩm phán của Việt Nam.

Bên cạnh bản Sổ tay Thẩm phán có các trang đục lỗ tháo rời được, còn có hai bản điện tử của cuốn sổ tay có thể truy cập trên mạng Internet [http://www.sotaythamphan.gov.vn] và trên CDROM. Tòa án nhân dân tối cao nhờ đó tiết kiệm chi phí và thời gian khi cập nhật Cuốn sổ tay trực tuyến. Thời gian gần đây, Thẩm phán tại tất cả các tòa án cấp tỉnh, thành phố, cũng như các tòa án cấp quận, huyện của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã truy cập được mạng Internet nhờ hệ thống máy tính kết nối mạng Internet trong khuôn khổ các chương trình tài trợ (dự kiến phạm vi sẽ mở rộng tới các tòa án cấp quận, huyện còn lại trong những năm tới đây). Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao có thể chỉ đạo Thẩm phán tại các tòa án này qua thư điện tử về bất cứ thay đổi nào đối với cuốn Sổ tay và cũng có thể gửi qua thư điện tử cho họ các phần mới đưa vào trong đó.

Ngoài ra, tham gia thực hiện Dự án Sổ tay Thẩm phán Việt Nam còn có sự đóng góp của rất nhiều người khác. Nhân đây, tôi xin được chân thành cám ơn các cán bộ của Viện Khoa học xét xử, cụ thể là Bà Bùi Thị Nhàn và Bà Nguyễn Thị Mai. Tôi xin gửi lời cám ơn tới Ông Phan Nguyên Toàn - Trưởng Văn phòng luật sư LEADCO cùng các đồng nghiệp là Bà Phạm Thuý Ngọc và Bà Trần Thu Phương. Tôi cũng xin cám ơn Ông Lâm Chí Dũng và Ông Nguyễn Kiên Cường đã tham gia vào quá trình thực hiện các bản điện tử của cuốn Sổ tay mà hiện nay có thể được truy cập rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế.

Cuối cùng, tôi xin chân thành cám ơn Ông Graham Alliband và đội ngũ nhân viên của Quỹ CEG cũng như Trường đại học tư thục Melbourne (nay là Học viện Phát triển Melbourne) đã nhiệt tình hỗ trợ cho dự án trong hai năm vừa qua.

Vào tháng 10 năm 2004, Tiến sĩ Đặng Quang Phương đã khai mạc Hội thảo đóng góp ý kiến cho Cuốn sổ tay bằng tuyên bố “Cuốn sổ tay không thể dài 1000 trang nhưng cần được cấu trúc một cách thuận tiện và dễ hiểu cho người đọc. Các vấn đề cần được trình bày theo thứ tự ưu tiên dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của các thẩm phán Việt Nam trong giai đoạn đất nước đang trải qua cải cách hành chính, cải cách tư pháp, và trong thời kỳ quá độ chuyển sang nền kinh tế thị trường.” Các cải cách cũng như tác động của thời kỳ quá độ đã và đang tạo ra những thách thức lớn đối với hệ thống tòa án. Tôi hy vọng rằng cuốn Sổ tay này sẽ giúp ích phần nào cho công việc của các thẩm phán Việt Nam trong tương lai và rằng sẽ còn nhiều ấn phẩm khác tương tự được xuất bản.

 
                                                                              Cate Sumner
                                                                                Giám đốc
                                                   Trung tâm Đào tạo Châu Á – Thái Bình Dương
                                                   (thuộc Tổ chức Luật Phát triển Quốc tế - IDLO)
                                                                          Tháng 4 - 2006